Phát biểu tại Quốc hội sáng 21/11,ôngchứccầnsốngđượcbằnglươtrị mụn ẩn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh cho rằng một trong những giải pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả là chế độ tiền lương hợp lý để nâng cao mức sống của người lao động.
"Lương và phụ cấp là nguồn sống chính của cán bộ, công chức và gia đình họ, song chính sách này còn nhiều bất cập. Cần có giải pháp để lương cán bộ, công chức, viên chức tương đương mức sống khá trong xã hội", bà Linh nói.
Hiện nay, lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tính bằng lương cơ sở (1,8 triệu đồng) nhân hệ số lương. Hệ số lương được tính theo ngạch bậc của từng nhóm công chức. Từ 1/7, công chức loại A (ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương) có mức lương cao nhất 14,4 triệu đồng/tháng; thấp nhất 3,8 triệu đồng/tháng.
Công chức loại B (ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương), mức lương cao nhất 7,3 triệu đồng/tháng; thấp nhất 3,3 triệu đồng. Công chức loại C (ngạch chuyên viên hoặc tương đương), mức lương cao nhất 6,5 triệu đồng/tháng; thấp nhất 2,4 triệu đồng.
Từ giữa năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. Dự kiến từ 2025, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục được tăng bình quân 7% mỗi năm, đến khi mức lương thấp nhất khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 khu vực doanh nghiệp (lương tối thiểu vùng 1 hiện là 4,68 triệu đồng).
Theo đại biểu đoàn Bình Thuận, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, cử tri vẫn lo lắng và trăn trở khi tham nhũng tinh vi hơn. Nhiều nơi còn tham nhũng vặt, nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân. Thậm chí tham nhũng xảy ra ngay với một số người làm nhiệm vụ chống tham nhũng và cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, xét xử.
Vì vậy, ngoài tăng lương cho cán bộ, công chức, bà Linh đề xuất cơ chế giám sát, phản biện xã hội cần có hiệu lực trên thực tế. Quá trình xử lý người vi phạm nên phân loại nhóm chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm minh; người vi phạm do làm theo chỉ đạo của cấp trên cần được xem xét khoan hồng.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó đoàn Bình Phước, lo ngại khi tội phạm tăng về số vụ. Sau hơn hai năm trải qua đại dịch Covid-19, đời sống, việc làm, thu nhập của bộ phận người dân khó khăn. Nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng và có dấu hiệu ngày càng tăng. Nhiều phương thức, thủ đoạn tội phạm mới xuất hiện như trên không gian mạng, công nghệ thông tin, viễn thông...
Bà Sang đề nghị Chính phủ và cơ quan Tư pháp làm rõ hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của thực trạng nêu trên. Các cơ quan cần đánh giá đầy đủ những loại tội phạm có xu hướng tăng thời gian qua để có giải pháp xử lý hiệu quả, trong đó, chú ý những tội phạm là người nghiện ma túy và người mắc bệnh tâm thần.
"Chính phủ và các cơ quan cần làm rõ giải pháp với các loại tội phạm biến tướng mới như núp bóng công ty luật, công ty tài chính để đòi nợ thuê, tín dụng đen và trên không gian mạng", đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị.